Thời gian qua, huyện Buôn Đôn luôn chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Phóng viên Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Buôn Đôn có cuộc phỏng vấn ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện Buôn Đôn về những kết quả làm được, những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện xây dựng chính quyền điện tử của huyện trong thời gian tới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Xin chào ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn. Thời gian qua huyện Buôn Đôn đã triển khai thực hiện chủ trương cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Vậy xin ông cho biết kết quả bước đầu trong công tác triển khai trên địa bàn huyện?
Ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn
Ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn:
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông. Hàng năm, UBND huyện đều xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn an ninh mạng và đạt được kết quả nổi bật cụ thể như: 100% cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số; 2/7 xã có tổ công nghệ số cộng đồng thôn, buôn với 19 tổ; 01 đơn vị thành lập Tổ công tác về chuyển đổi số; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 22%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 99%; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị cũng đạt 99%; các văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số đạt 100%; UBND huyện đã có phòng họp trực tuyến và hiện nay đang triển khai thực hiện các phòng họp trực tuyến cho các xã. 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng Hệ thống quản lý văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành iDesk. Huyện đang thực hiện triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp không giấy tờ để rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy tại các cuộc họp thông qua.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk, tổng số hồ sơ tiếp nhận đạt 12%. Lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã đều đã sử dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử.
Việc giải quyết TTHC cho người dân đã được cải thiện rất nhiều về thời gian, các loại giấy tờ, đặc biệt là việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử để giải quyết hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số được đẩy mạnh.
Phóng viên: Thưa ông! Buôn Đôn là huyện nghèo, vậy hiện nay huyện đang gặp những khó khăn, thách thức gì trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số?
Ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn:
Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số của huyện thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi huyện Buôn Đôn cũng gặp những khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử như: Việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp.
Do huyện nghèo, điều kiện phát triển còn hạn chế nên một số xã, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc một cách đồng bộ, nhiều thiết bị đã cũ, lỗi thời về công nghệ nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng đường truyền chưa được cải thiện nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thông tin trong tình hình mới; một số lãnh đạo chưa có máy tính cá nhân, máy tính cài đặt hệ điều hành cũ không tương thích để cài đặt phần mềm chữ ký số.
Ngoài ra còn do thói quen, nhận thức, về quy trình, kỹ thuật của một số cán bộ công nhân viên chức và một số thủ tục hành chính vẫn chưa được chuẩn hóa... nên việc chuyển từ văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm. Chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước hiện còn hạn chế, phần lớn cán bộ làm CNTT tại các cơ quan, đơn vị là kiêm nhiệm. Kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT chưa được bảo đảm thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được duyệt; kinh phí bố trí thường không đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Phóng viên: Vậy để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, huyện đã có những giải pháp như thế nào trong thực hiện chuyển đổi số thời gian tới thưa ông?
Ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn:
Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế thời gian qua; trong thời gian tới, huyện Buôn Đôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện tốt định hướng trên, huyện sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện như Quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT-TT đầu tư phát triển công nghiệp CNTT tại địa bàn huyện. Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
- Đồng thời đầu tư phát triển Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong đó tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật số phục vụ các cơ quan, đơn vị một cách tập trung, thông suốt. Bên cạnh đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về kỹ năng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
- Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử. Huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước tại địa phương thông qua hệ thống Chính quyền điện tử.
Phóng viên: Theo ông, đâu là những vấn đề quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất đối với huyện Buôn Đôn hiện nay?
Ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn:
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, mặc dù máy móc thiết bị là một trong những hạ tầng quan trọng để thực hiện việc chuyển đổi số; nhưng mà huyện Buôn Đôn cũng xác định vấn đề quan trọng, trọng tâm mà phải thay đổi đầu tiên là tư duy của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong việc chuyển đổi số; đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc chuyển đổi số; đồng thời, phải hành động quyết liệt để có sản phẩm về chuyển đổi số cụ thể trước mắt và lâu dài. Tiếp đó là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức phải biết sử dụng tốt công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Những sản phẩm của chuyển đổi số phải góp phần mang lại hiệu quả trong phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số phải xác định, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện làm sao để không lúng túng và tìm hướng đi phù hợp với tiến trình chuyển đổi số trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Cảm ơn ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện Buôn Đôn đã dành thời gian chia sẻ cho cuộc phỏng vấn này!
Trần Tú Anh
- Hội Cựu chiến binh huyện Buôn Đôn nâng cao chất lượng ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (26/04/2025, 11:36)
- Ngày sách và văn hóa đọc năm 2025 tại trường THPT Trần Đại Nghĩa (20/04/2025, 17:15)
- Hội LHPN huyện Buôn Đôn trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo (20/04/2025, 16:58)
- Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 14 của Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam (khóa VII) (11/04/2025, 11:36)
- Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác chính sách năm 2025 (10/04/2025, 17:35)
- Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn tổ chức phiên họp quý II năm 2025 (07/04/2025, 14:24)
- Huyện Buôn Đôn: Phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và giải Việt dã huyện Buôn Đôn năm 2025 (28/03/2025, 15:11)
- Hội thảo lịch sử Đảng bộ xã Cuôr Knia giai đoạn 1978 – 2023 (28/03/2025, 10:06)
- Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn tăng cường phối hợp xử lý nợ quá hạn (27/03/2025, 15:38)
- Hiệu quả từ hoạt động ủy thác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn năm 2024 (27/03/2025, 15:15)
- Huyện uỷ Buôn Đôn: Công bố các quyết định về tổ chức bộ máy, cán bộ (22/02/2025, 16:47)