
1. Dân cư:
Buôn Đôn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm, trước tháng 8 năm 1904 là thủ phủ của tỉnh Đăk Lăk, Buôn Đôn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, đã có các tộc người Êđê, M’nông là dân tộc bản địa đến quần cư sinh sống lập nên nhữngc buôn làng đầu tiên của vùng đất này về sau người Thái người Lào người Campuchia… kéo đến tập trung buôn bán trao đổi hàng hóa, các thứ sản vật của núi rừng và nơi đây nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán sầm uất với nhiều loại hàng hóa, sản vật quý hiếm…Vùng đất phía Nam của huyện trước năm 1975 với chính sách kinh tế mới của nhà nước và sức hút của vùng đất mới người kinh ở vùng đồng bằng Miền Trung và Miền Bắc đã kéo đến sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông trên địa bàn toàn huyện và sống xen kẽ cùng các dân tộc khác.
Đến những năm 80 của thế kỷ trước, một làn sóng chuyển cư khá lớn của các dân tộc miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên tìm vùng đất mới sinh sống mà Buôn Đôn cũng là điểm đến, từ đó trong thành phần dân cư đã có thêm nhân dân các dân tộc vùng núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Dao… đến nay Buôn Đôn có tất cả 18 dân tộc anh em cùng chung sống với dân số là 59.543 người (2009), trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 47%.
2. Cơ sở hạ tầng:
Có hệ thống đường giao thông thuận lợi, có đường tỉnh lộ chạy qua, gần thành phố Buôn Ma Thuật, thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa, trao đổi buôn bán hàng hóa với nhau góp phần phát triển kinh tế của huyện nhà, một số tuyến đường liên xã liên thôn cũng đã được đầu tư xây dựng.Tuy nhiên phần lớn các tuyến đường vẫn đang còn là đường đất do vậy vào mùa mưa việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống thông tin liên lạc và phát thanh truyền hình trong thời gian qua phát triển khá nhanh, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 4.045 hộ có điện thoại cố định, 16.889 người dùng điện thoại di động, số người biết dùng Internet ngày càng cao với 1.897 người.