Buôn Đôn là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và đã gây thiệt hại không nhỏ cho bà con chăn nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện Buôn Đôn đã quyết liệt triển khai các giải pháp để ngăn chặn, dập dịch nên đến nay, huyện đã khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Ngay khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở xã Cuôr Knia (vào ngày 6/6/2021), các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với xã Cuôr Knia xử lý, tiêu hủy gia súc mới phát dịch ở diện hẹp, không để dịch lây lan; phun tiêu độc, khử trùng ở nơi ổ dịch và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, dịch chỉ chùng xuống được một thời gian ngắn, sau đó lại lây lan sang nhiều xã lân cận. Cụ thể, dịch xảy ra tại 91 hộ, 26 thôn, buôn của 6 xã làm 244 con bò bị bệnh, trong đó có 37 con bị chết và buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 6.147 kg.
Tiêu hủy bò chết do mắc bệnh viêm da nổi cục
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, UBND huyện Buôn Đôn đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò trên địa bàn xã có dịch. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND các xã tập trung nguồn lực để dập dịch, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; thông tin đến người dân về tình hình dịch bệnh, về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vận động người dân chủ động tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò… Để tránh lây lan ra diện rộng, lực lượng thú y toàn huyện được huy động nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, kịp thời dập dịch. Đáng ghi nhận là nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động mua vắc-xin về tiêm cho đàn trâu, bò chứ không chờ nguồn vắc-xin hỗ trợ của Nhà nước. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đến nay huyện đã triển khai tiêm được 10.875 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 9.300 liều vắc xin do UBND tỉnh hỗ trợ, người dân tự mua vắc xin tiêm cho trâu, bò nhà mình với 1.575 liều.
Các cơ quan chuyên môn và UBND các xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn tổ chức rải vôi bột, phun hóa chất diệt côn trùng gây bệnh nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện. Cụ thể, toàn huyện đã phun 600 lít hóa chất, rải 5.000kg vôi bột tại các khu vực có dịch và các vùng có nguy cơ cao.
Lực lượng chức năng huyện Buôn Đôn phun vôi bột khử trùng khu vực ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò
Sau hơn 4 tháng quyết liệt thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay huyện Buôn Đôn đã khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Từ ngày 15/9 đến nay, huyện Buôn Đôn không ghi nhận thêm ổ dịch viêm da nổi cục. Ngày 10/10 là ngày con gia súc cuối cùng bị bệnh hết triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục. Tất cả các địa phương có dịch đã qua 21 ngày không xuất hiện ổ bệnh.
Theo ông Dương Tiến Dũng – Phó trạm trưởng Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, để đạt được kết quả trên, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn để dập dịch như: duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền về dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin kịp thời, diệt véc-tơ truyền bệnh khu vực ổ dịch thì ý thức người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh cũng góp phần quan trọng trong công tác khống chế dịch bệnh.
Cán bộ Thú y xã Krông Na tiêm vắc xin phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò
Cũng theo ông Dũng, mặc dù dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở huyện Buôn Đôn đã được khống chế, tuy nhiên, các ngành chuyên môn của huyện vẫn luôn khuyến cáo các địa phương không được chủ quan lơ là mà vẫn phải tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Trong đó, tiếp tục truyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng; thường xuyên theo dõi đàn gia súc, khi thấy các dấu hiệu của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cần nhanh chóng báo với Ban tự quản thôn, buôn hoặc cán bộ thú y cơ sở; tổ chức tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, để hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Theo thống kê, huyện Buôn Đôn hiện có hơn 13.000 con trâu, bò. Đây là nguồn thu nhập chính của đa số bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Với việc huyện Buôn Đôn xử lý và ngăn chặn dịch viêm da nổi cục đã giúp bà con nhân dân trên địa bàn huyện yên tâm chăn thả gia súc, ổn định phát triển kinh tế gia đình.
Quốc An
- Hội LHPN huyện Buôn Đôn trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo (20/04/2025, 16:58)
- Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 14 của Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam (khóa VII) (11/04/2025, 11:36)
- Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác chính sách năm 2025 (10/04/2025, 17:35)
- Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn tổ chức phiên họp quý II năm 2025 (07/04/2025, 15:24)
- Huyện Buôn Đôn: Phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và giải Việt dã huyện Buôn Đôn năm 2025 (28/03/2025, 15:11)
- Hội thảo lịch sử Đảng bộ xã Cuôr Knia giai đoạn 1978 – 2023 (28/03/2025, 10:06)
- Huyện uỷ Buôn Đôn: Công bố các quyết định về tổ chức bộ máy, cán bộ (22/02/2025, 16:47)
- Huyện đoàn Buôn Đôn: Tổ chức Lễ ra quân Tháng Thanh niên năm 2025 (22/02/2025, 09:58)
- Huyện Buôn Đôn: Tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2025 (15/02/2025, 15:08)
- Hội nghị góp ý kiến, phản biện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Buôn Đôn lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (14/02/2025, 17:12)
- Huyện Buôn Đôn: Họp Ban Tổ chức Hội voi Buôn Đôn năm 2025 (14/02/2025, 16:45)