
Buôn Đôn là huyện giàu tiềm năng và cũng là huyện năng động nhất về kinh doanh du lịch trong tỉnh Đắk Lắk. Với địa danh Bản Đôn vốn từ lâu đã được ghi nhận trong bản đồ Du lịch Thế giới, kết hợp với các vệ tinh khác như Buôn Đôn đang sở hữu rất nhiều Bến nước đẹp và còn tương đối nguyên vẹn như Bến nước Buôn Niêng, Buôn Kó Đung. Trong huyện còn có Vườn Quốc gia Ýok Đôn lớn nhất nước với diện tích trên 115.500 ha nơi bảo tồn Voi châu Á và hệ sinh thái rừng Khộp độc nhất vô nhị... Để khởi động chương trình và biến Bản đôn trở thành một thị trấn Du lịch, một trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước như Đà lạt hoặc SaPa, Bà Nà...trong một tương lai gần, trong kế hoạch phát triển du lịch đến 2010 tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch xây dựng làng Văn hóa dân tộc Buôn Niêng để bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hoá người Êđê bản địa(cách Buôn Ma Thuột 10km - trên đường tỉnh lộ đi Bản Đôn. Liên kết với khu này là hệ thống các Bến nước du lịch tại các buôn làng liền kề, một sản phẩm du lịch rất ăn khách bởi nét đặc sắc và bản sắc dân tộc của nó.
Ở Buôn Niêng, đáng chú ý còn có Vườn cảnh Trohbư, một vườn cảnh tư nhân, với quy họach độc đáo mang đậm "Nét rừng" với một vườn lan tự nhiên; một bộ sưu tập cây gỗ và các kiểu rừng ở Đắk Lắk; những con đường đi dạo quanh co giữa rừng hay uốn lượn theo triền dốc, bờ hồ; những ngôi nhà nhỏ gĩưa rừng đẹp như trong truyện Cổ tích phục vụ nhu cầu nhà nghỉ gia đình cuối tuần. Ở đây Du khách còn có thể quan sát tận mắt việc trồng và chế biến Cà Phê của người dân, sờ tận tay những cây Cà Phê thuộc đủ các loài đang được trồng ở Đắk Lắk và thưởng thức những phin Cà Phê được chế biến theo phương pháp thủ công. Tất cả những điều ấy đã biến Vườn cảnh Trohbư trở thành một trong những khu triển lãm về Cà Phê quan trọng nhất trong Chương trình quảng bá hình ảnh "Thủ phủ Cà phê thế giới" của tỉnh Đắk Lắk.
VOI BẢN ĐÔN:
Nói đến Bản Đôn là phải nói đến Voi, bởi nơi dây chính là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Việt Nam. Tiếng tăm của họ đã một thời được truyền tụng khắp một vùng rộng lớn phía Nam Châu Á. Ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở đây Voi trở thành phương tiện sinh sống và là con vật nuôi hiền lành trong gia đình và cũng nơi đây mới có ngày hội truyền thống đua voi hàng năm. Địa danh Bản Đôn, hay còn gọi là Buôn Đôn, theo tiếng Lào là “Làng Đảo”, nằm ngay trên trục tỉnh lộ 1, cách thành phố Buôn Ma Thuột 45km về hướng Tây Bắc. Chính truyền thống của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở đây đã làm cho Bản Đôn không giống bất cứ một buôn nào, hoặc của người Êđê, hoặc của người M’nông hay Gia Rai ở tây nguyên.
Phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa tại đây được lai tạp, kết hợp của nhiều vùng, nhiều nước và nhiều thời dồn lại khiến bản sắc dân tộc ở đây được thể hiện rất rõ ràng và được chú tâm gìn giữ phát triển cùng huyền thoại về những tù trưởng mạnh gần như là vua, khống chế cả một vùng sơn cước như: Y Thu (Khun Ju Nôp), Y Ky…cai quản những buôn làng thời xa xưa thực sự sầm uất, thịnh vượng. Đến Bản Đôn, bạn có thể được cưỡi voi ngắm rừng già, lội sông hoặc nghe các già làng kể chuyện săn bắt và thuần dưỡng voi rừng và nhiều điều thú vị khác.
Ngã sáu Buôn Ma Thuột: Ngã sáu Buôn Ma Thuột khá thân quen với tên gọi Ngã sáu Ban Mê đầy chất thơ, nhạc, không ngừng biến đổi qua thời gian, ghi nhận những thăng trầm của lịch sử khai phá vùng đất Cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Người Buôn Ma Thuột những năm đầu thế kỷ XX đã chọn cho mình một địa thế khá bằng phẳng để khai khẩn và lập nghiệp. Ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi giao lộ của những con đường đi lại giữa khu dân cư người Kinh với các buôn làng Ê đê bản địa và đường về miền trung châu. Con đường xưa đất đỏ, quanh năm lầy lội vào mùa mưa và bụi đỏ về mùa khô, rồi đường được lát đá, bây giờ là đường rải nhựa phẳng lỳ thênh thang. Trong ký ức của người cư ngụ những năm 40 của thế kỷ XX, nơi đây là trụ đèn ba ngọn tỏa sáng đường đi lối lại vùng trung tâm. Cũng chính tại nơi đây, người dân Buôn Ma Thuột không bao giờ quên hơn 100 dân lành làng Lạc Giao bị giặt Pháp giết hại khi chúng tấn công vào Buôn Ma Thuột lần thứ hai cuối tháng 11/1945, và những xúc động của người dân khi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ quân giới - liệt sĩ Trần Thệ tại chính trụ đèn ba ngọn này. Người dân Buôn Ma Thuột vẫn cần mẫn xây dựng quê hương mình. Xung quanh Ngã sáu bên cạnh nhà thờ, công xưởng của Buốcgeri, nhà Giám đốc Lục Lộ, bến xe ... là phố chợ khá nhộn nhịp với đầy đủ các hiệu buôn, hiệu thuốc, hiệu bán thực phẩm của người Việt và người Hoa.
Thời gian đã làm nên bao điều kỳ diệu. Sau ngày giải phóng năm 1975, chỉ trong vòng một thời gian ngắn Ngã sáu Buôn Ma Thuột đã có một bộ mặt bề thế mang dáng dấp của một phố thị trẻ, tựa như gương mặt một cô gái ở độ tuổi mới lớn, với quần thể kiến trúc bao quanh như Đài tưởng niệm, Khách sạn, Trung tâm văn hóa, những cơ sở dịch vụ tổng hợp, Công ty Du lịch Đak Lak, Đài phát thanh truyền hình .... Chủ nhân của Buôn Ma Thuột, những người bản địa và những người sinh cơ lập nghiệp tại vùng Cao nguyên đã góp phần vun đắp làm thay đổi bộ mặt của thị xã xưa và thành phố Cao nguyên hôm nay. Những ngày mới giải phóng năm 1975, ngã sáu còn nguyên những vết hoang tàn, những khu phố bị bom phá sụp đổ, loang lỗ. Một Ngã sáu - dấu vết của chiến tranh. Ngã sáu hôm nay đã có những công trình xây dựng khang trang, hiện đại mà rất gần gũi. Đêm đêm từ Ngã sáu xuôi đường Nơ Trang Lơng, ngược đường Phan Chu Trinh, thả bộ trên đại lộ Nguyễn Tất Thành sáng bừng ánh điện và sống động những sắc màu, ta bỗng da diết nhớ về quá vãng xa xưa ...
NGÔI NHÀ SÀN CỔ:
Trước khi người Pháp đặt chân đến Đăk Lăk và chọn Buôn Đôn làm thủ phủ đầu tiên của tỉnh (1899) thì nơi đây chỉ vỏn vẹn 6 nóc nhà với 27 người dân. Cuộc sống đậm chất hoang sơ với nghề chính là đánh bắt cá dọc theo dòng Sêrêpôk. Thời bấy giờ, các lái buôn người Lào thường xuôi theo dòng Mê Kông qua Campuchia, Thái Lan rồi ngược dòng Sêrêpôk đến Việt Nam. Trên mỗi chuyến đi, hàng hoá chủ yếu lúc bấy giờ là trâu mộng để trao đổi voi, ngà voi và các loại lâm đặc sản khác... Không ít người đã ở lại hẳn nơi đây cùng chung sống với cư dân bản địa và trở thành người của buôn làng. “Đất lành chim đậu”, không riêng gì người Lào mà ngay cả các sắc tộc khác như Mnông, Gia Rai, Ê Đê... cũng tựu tập về đây cùng chung sống và xây dựng vùng đất mới. Do điều kiện lịch sử và văn hóa, đã tạo cho vùng đất này một nền văn hóa đa sắc tộc khá phong phú và đậm bản sắc mà không dễ vùng nào cũng có. Trong quá trình đó, tài sản văn hoá ở đây được làm giàu thêm bằng các công trình kiến trúc như nhà ở, nhà mồ... mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển của xứ sở hoa Chămpa...
Một công trình kiến trúc cổ ở Bản Đôn còn tồn tại cho đến ngay nay là ngôi nhà sàn cổ đã hơn 100 năm tuổi. Ngôi nhà được chính thức khởi công vào ngày 7 tháng 10 năm 1883 do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Là người trực tiếp chỉ huy thi công cũng như cương vị “tổng thầu”, ông đích thân chọn ra 14 thợ chính có tay nghề cao và hơn 10 thợ phụ để giúp việc. Tham gia gia đắc lực trong quá trình xây dựng ngôi nhà không thể không nhắc đến “lực lượng” của 18 chú voi to khoẻ tham gia việc khai thác gỗ và dựng nhà. Điều đặc biệt ở ngôi nhà này là hoàn toàn bằng gỗ, không sử dụng bất cứ một vật liệu nào bằng kim loại. Nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê Đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng (kiến trúc chùa tháp của Lào). Họa tiết, hoa văn trang trí theo tín ngưỡng người Lào... Ước tính ngôi nhà sau khi hoàn thành hết một số lượng gỗ trên 100 m3, chủ yếu là các loại gỗ tốt như: căm xe, cà chít, cẩm lai... Chỉ tính riêng phần mái lợp của ngôi nhà để tạo ra những viên “ngói gỗ” (2 cm x 12 cm x 25 cm) phải tốn gần 10 m3 gỗ cà chít được cưa xẻ trong nhiều ngày. Thời gian thi công kéo dài 1 năm 4 tháng 12 ngày với tổng giá trị được quy đổi bằng 12 con voi trên 60 tuổi có ngà dài. Ngôi nhà được khánh thành vào ngày 19 tháng 2 năm 1885 với buổi tiệc ăn mừng hết 22 con trâu lớn... Trải qua ba thế kỉ với những biến động của lịch sử, ngôi nhà vẫn còn đó mặc dù ít nhiều đã xuống cấp theo thời gian. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà là Me Lĩnh (cháu ngoại của vua săn voi Y Thu Knul (còn gọi là Khunjunob - tước hiệu do hoàng gia Thái Lan ban khi ông dâng tặng cho vua Thái Lan con voi trắng vào năm 1861) là một người rất hiếu khách. Có dịp đến đây sau một vòng tham quan, chiêm ngưỡng ngôi nhà... bên ché rượu cần bạn sẽ được nghe những câu chuyện tưởng như là huyền thoại về quá trình săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của các “vua” săn voi như Y Thu Knul, Rleo Knul, Ma Kông... vang tiếng một thời trên toàn cõi Đông Dương.
HỘI ĐUA VOI Ơ BUÔN ĐÔN:
Hội đua voi thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm ở huyện Buôn Đôn. Bãi đua thường là khu vực tương đối bằng phẳng, rộng để voi dàn hàng đua và dài khoảng 1000m. Voi từ các buôn xa, gần đều về đây tụ hội. Trước ngày đua voi các lán trại mọc lên san sát cho các nài voi đến sớm để chuẩn bị. Thắng lợi của voi còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi nài voi. Nó thể thiện công lao và tài thuần dưỡng của các nài.
Trước khi vào cuộc, các chú voi tham gia được bố trí xếp hàng ngay ngắn. Mỗi voi đều mang trên mình các lá cờ nhiều màu sắc và cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Trên mình voi còn có hai mảnh vải thổ cẩm đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên, cưỡi trên voi thường là hai người, trong đó có một người là nài voi, người còn lại là thanh niên khoẻ mạnh vạm vỡ.
Sau khi hồi tù rít lên, lần lượt từng hàng voi đến trước ban giám khảo quỳ phục và cúi chào khán giả rồi trở về vị trí xuất phát để chờ lệnh. Một hồi tù và nữa lại vang lên, voi đồng loạt phóng nhanh về phía trước, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả, tiếng trống chiêng và tiếng bước chân voi khuấy động cả khu rừng. Voi nào cũng cố gắng chạy thật nhanh để về đích sớm nhất.
Với số lượng voi tham gia đua có khi lên đến vài chục con nên voi phải thi đấu qua nhiều vòng để chọn ra một chú voi chạy nhanh nhất. Và voi chiến thắng cũng được trao “vòng nguyệt quế” tết từ hoa lá trong rừng, phần thưởng cho tất cả các voi dự thi là những khúc mía hay nải chuối mà nài voi và cả khán giả cũng đã chuẩn bị sẵn, còn phần thưởng của ban tổ chức cho nài voi là các ché rượu cần ngon nhất. Giữa nắng gió của trời Tây Nguyên vào tháng 3, không gì sôi động và hào hứng bằng việc tận mắt chứng kiến và thoả thích reo hò cổ vũ cho voi chạy đua. Nghỉ giải lao trong chốc lát, voi lại vào thi ném xa, kéo co, đá bóng. Màn thi nào voi cũng cố gắng thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo của mình, mặc dù thân hình không nhỏ nhắn chút nào. Ngoạn mục nhất có lẽ là màn thi vượt sông Sêrêpôk.
Khúc sông mà đàn voi bơi qua là đoạn cuối của Sêrêpôk trên đất Việt. Sau hiệu lệnh cả đàn voi chạy lao xuống nước, nước bắn tung toé một góc sông. Cảnh tượng này nhìn từ trên cao rất đẹp và hùng vĩ. Ra đến giữa sông, du khách và khán giả chỉ còn thấy nhấp nhô dáng nài voi đang ngồi chồm hổm trên lưng voi. Lúc đó ta mới cảm nhận hết được tài thuần dưỡng voi cũng như mối quan hệ mật thiết giữa voi và người dân Dak Lak.
Thời gian gần đây, được sự đầu tư của Tỉnh, hội đua voi được tổ chức qui mô hơn, đều đặn, vừa nhằm mục đích tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn văn hoá bản địa và thu hút khách du lịch. Số lượng khách trong nước đến với hội voi đang tăng đáng kể, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá về hội voi nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Hội voi và liên hoan cồng chiêng là những cuộc trình diễn, giới thiệu văn hóa truyền thống ấn tượng nhất của cư dân Tây Nguyên, là sinh hoạt lễ hội không thể thiếu hàng năm. Những chú voi hiền lành, ngoan ngoãn, luôn gắn bó với con người, buôn làng, sẽ đưa ta về với quá khứ để cảm nhận đâu đây tiếng chiêng vang, tiếng voi gầm, tiếng thét oai hùng của các chàng trai dũng sĩ trong sử thi Đam San, Xing Nhã; cho ta được trở về cội nguồn văn hóa hoang sơ, hồn nhiên, đầy ắp tính nhân văn của con người và mảnh đất nơi đây.